Sau những ngày rộn ràng thi cử, tiếp theo sẽ là chuỗi ngày Facebook ngập tràn hình ảnh những phiếu báo điểm, những gương mặt rạng ngời của các thủ khoa, những chuyện bạn A bạn B đỗ toàn trường top và đang băn khoăn không biết chọn trường nào...
Và cũng hoàn toàn tự nhiên, các bậc phụ huynh sẽ lại nghĩ về đứa trẻ của mình, và dù ít dù nhiều cũng sẽ ngầm so sánh. Ai cũng hiểu, nhưng có lẽ tạm thời lờ đi, sự thật rằng mọi cuộc thi luôn có người đứng đầu và rất nhiều người xếp sau, tất nhiên cũng luôn có cả người xếp cuối, một ngôi trường cạnh tranh cao với tỉ lệ 1 chọi 20 thì tức là cứ mỗi đứa trẻ thi đỗ sẽ có 19 đứa trẻ ngậm ngùi nhận phiếu báo trượt và phải quay về với một phương án “dự phòng” nào đó. Thế nhưng, chúng ta vẫn cứ so sánh hậu trường cuộc đời mình với sự hào nhoáng bày ra trên mạng xã hội, và sau đó sẽ chọn một cách ứng xử với đứa trẻ của mình.
Bạn nói thế nào với đứa con vừa có một kì thi không mấy thành công, hoặc có thành công nhưng chưa thật sự rực rỡ?
- Điểm của con vẫn chưa đủ tốt, mẹ biết là con có thể làm tốt hơn.
- Hãy luôn cố gắng hết sức.
- Con rất thông minh, giá mà con chịu nghe lời mẹ thì kết quả đã tốt hơn nhiều.
Bạn thấy mình đã rất “tâm lí” khi vẫn nhẹ nhàng động viên, khích lệ con? Nhưng bạn có biết, những câu nói như vậy vẫn có thể gây “sát thương” theo một cách khác? Theo tiến sĩ Madeline Levine, tác giả cuốn sách Cái giá của đặc quyền, thì “Những phát ngôn hai mặt kiểu ấy được dùng quá thường xuyên để che đậy một sự thật xấu xí rằng thứ mà cha mẹ kì vọng ở con không phải là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, mà là trở thành người giỏi nhất.”
Hẳn bạn sẽ thắc mắc: Nếu nói như thế vẫn là không ổn, vậy tôi phải nói thế nào mới đúng? Đó sẽ là một câu chuyện dài khác liên quan đến sự kết nối giữa bạn và con, về tầm quan trọng của sự phát triển cái tôi ở trẻ, về việc gieo trồng sự ấm áp, việc áp dụng kỉ luật và kiểm soát, và về “độc tính” ngấm ngầm của chủ nghĩa hoàn hảo…
Những ngày căng thẳng và bận rộn vì thi cử đã qua, các phụ huynh hãy dành cho mình chút thời gian để tìm hiểu về “câu chuyện dài” đó trong Cái giá của đặc quyền, cuốn sách có thể sẽ khiến bạn giật mình nhận ra rằng những điều bấy lâu bạn vẫn cho là tốt với con thực ra lại không tốt đến thế, thậm chí còn có thể gây hại. Và tất nhiên, cuốn sách cũng sẽ đề xuất với bạn những thay đổi theo hướng tốt hơn. Tin vui là lựa chọn vẫn luôn nằm trong tay bạn.
---
Đọc thêm về cuốn sách “Cái giá đặc quyền” tại đây